Jo tìm tới tôi vào một buổi sáng chủ nhật. Buổi sáng ở Việt Nam là nửa đêm ở Anh, có nghĩa là đêm đó anh trằn trọc không ngủ.
Jo đang trong một mối quan hệ với bạn gái ở Việt Nam. Hai người yêu xa và thường trải qua nhiều mâu thuẫn, đa phần là do những khác biệt về cách giao tiếp không thể dung hoà.
Tuần đầu tiên chúng tôi làm việc, Jo tỏ ra rất phẫn nộ, chia sẻ rằng bạn gái làm nhiều điều khiến anh tổn thương, cô ấy lạnh lùng, không chịu chia sẻ cảm xúc. Jo cảm giác mình không được lắng nghe và cũng không được ghi nhận.
Gặp nhau lần thứ 2 vào tuần tiếp theo, lúc này thái độ của anh ít nhiều thay đổi. Anh nhận ra sự khác biệt của đối phương trong cách nói chuyện, hành xử, và có khuynh hướng trách móc bản thân. Anh không còn đổ lỗi cho bạn gái mà dần dần nhận ra các vấn đề của mình. Tuy nhiên vẫn giữ nguyên quan điểm sẽ không liên lạc trước.
Tiếng nói nội tâm của Jo trở nên mạnh mẽ hơn khi chúng tôi gặp nhau vào tuần thứ 3. Lúc này, anh đã lựa chọn nói những lời tích cực với bản thân. Tôi hỏi anh một điều, so với việc mất đi bạn gái, những mâu thuẫn kia liệu có quan trọng hơn không; và rằng điều anh lựa chọn là gì, anh nhất định muốn ở bên cạnh cô ấy hay phải là một người cực kỳ phù hợp với mình? Suy nghĩ một lúc, Jo nói với tôi anh vẫn muốn ở bên bạn gái. Do đó, tôi khuyên anh nên dịu dàng hơn, chủ động làm lành trước.
Sau buổi làm việc thứ 3, Jo nhắn tin cập nhật với tôi anh và bạn gái đã làm lành. Anh còn chia sẻ bạn gái vẫn nói những điều mà nếu như trước đây có lẽ anh sẽ lại thấy tổn thương. Thế nhưng sau khi áp dụng phương pháp chúng tôi đã trao đổi, anh nhận thấy chuyển biến khác biệt. Hai người không còn gay gắt với nhau nữa và đã quay trở lại trạng thái tích cực hơn.
Đôi khi chúng ta phải trải qua cảm giác không thể buông bỏ những ác cảm hay oán giận đối với người mà chúng ta cho rằng đã đối xử tệ với mình. Khi bạn cảm thấy ai đó đang làm tổn thương mình, bạn sẽ khó bỏ qua điều đó ngay lập tức, hoặc không bao giờ. Bạn có thể liên tục nghĩ về người đó hoặc sự việc đó, lặp đi lặp lại nó trong tâm trí. Thế nhưng, việc giữ mối hận thù có thể gây tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Nó có thể khiến bạn bi quan hơn, cô lập bạn khỏi những người khác, tăng nguy cơ suy giảm nhận thức, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần và cuối cùng khiến bạn luôn ở trong trạng thái căng thẳng.
Nếu tôi nói với Jo những điều mà chúng tôi trao đổi với nhau ở tuần thứ 3 trong tuần làm việc thứ nhất, điều đó hoàn toàn vô tác dụng. Lúc này tâm trạng anh đang cực kỳ tồi tệ, và luôn cảm thấy mình mới là nạn nhân. Mọi sự khuyên can gần như sẽ là vô nghĩa. Thế nhưng tại sao sang đến tuần thứ 3 thì mới nhìn thấy hiệu quả, đó là vì tôi và anh đã trải qua quá trình đối thoại nội tâm, khi mà anh thực sự nhìn sâu vào suy nghĩ và nhu cầu của mình, để rồi hiểu ra điều anh thực sự cần và muốn là gì?
Giữ những cảm xúc tiêu cực và gặm nhấm chúng có thể ảnh hưởng đến chúng ta cả về mặt thể chất lẫn mặt tinh thần. Để sống một cuộc sống tích cực hơn và xây dựng được nhiều mối quan hệ lành mạnh hơn, chúng ta cần học cách buông bỏ những mối hận thù và bước tiếp. Quá trình này đòi hỏi thời gian, sự kiên trì, tha thứ và lòng biết ơn. Trong bản tin hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với bạn những bước bạn có thể thực hành để buông bỏ oán hận và tập trung sống cho bản thân mình.
Bước 1: Ý thức được nguồn cơn của sự oán hận
Ý thức được nguồn cơn của sự oán giận là một bước quan trọng để giải tỏa nó. Mặt khác, việc đối mặt với những ký ức không đẹp trong quá khứ cũng là cách giúp bạn kiểm soát những tác động của chúng đối với cảm xúc và tinh thần của mình.
Khi tôi làm việc với Minh trong quá trình chữa lành sau chia tay, cô thường trải qua những cơn tức ngực vào buổi sáng mỗi khi nhớ tới những ký ức về người yêu cũ. Tôi có khuyên Minh mỗi ngày hãy vẫn dành một khoảng thời gian nhất định để hồi tưởng về những câu chuyện cũ. Đôi khi con người ta chưa thể quên được chính là vì ta né tránh, và không cho cơ thể thời gian để chuyển hóa nỗi đau. Việc ý thức được nguồn cơn của sự oán giận và dành cho nó đủ thời gian sẽ giúp bạn xoa dịu nỗi đau và dần dần đưa bản thân vào trạng thái chấp nhận.
Bước 2: Điều chỉnh cảm xúc
Khi bạn cho rằng mình vẫn chưa buông bỏ được sự oán hận, hãy tự hỏi bản thân cảm thấy thế nào về quá khứ và người cũ đã đối xử tệ bạc với bạn. Nếu sự ác cảm vẫn còn rõ rệt, điều này cho thấy bạn vẫn đang bận tâm về mối hận thù.
Việc quan tâm đến cảm xúc của bản thân có thể giúp bạn xác định được mức độ của nỗi ác cảm mà bạn chưa buông bỏ. Nếu những ký ức cụ thể hiện lên trong đầu bạn, việc tốt nhất bạn nên làm là thừa nhận, điều chỉnh cảm xúc và suy nghĩ về nó.
Để làm được điều này, một kỹ thuật bạn có thể áp dụng là đối thoại nội tâm. Đoạn đối thoại có thể nghe như sau :
Khi cô ấy nói với tôi những điều trước đây cô ấy từng nói như : “Nói chuyện với anh chán lắm”, “Nói chuyện kiểu này thì tôi chỉ muốn im lặng cho xong", tôi từng nghĩ tôi khiến cô ấy chán ghét. Nhưng giờ đây tôi hiểu rằng điều đó chỉ mang tính chất thời điểm. Những gì chúng tôi trao đổi vào lúc đó có thể khiến cô ấy khó chịu, nhưng không có nghĩa là cô ấy chán ghét tôi, không có nghĩa tôi là một người đáng ghét. Nếu tôi không tiếp nhận những điều ấy một cách tiêu cực, tôi cũng sẽ không phản ứng tiêu cực. Rốt cuộc điều cô ấy muốn nói là cảm xúc của cô ấy vào thời điểm đó, không liên quan gì đến giá trị của tôi.
Việc tự giao tiếp với bản thân và cố gắng chuyển hoá những suy nghĩ tiêu cực thành phản ứng có lợi cho mình giúp bạn cải thiện lòng tự trọng, xây dựng được hình ảnh và giá trị của bản thân, đồng thời là một lời khẳng định tích cực để bạn lấy lại niềm tin vào chính mình. Khi bạn nói những lời khẳng định tích cực với mình mỗi ngày, đó là khi bạn nhạy bén hơn với sự tiêu cực mà những người xung quanh ném về phía mình, từ đó kích hoạt chế độ tự vệ, bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương không đáng có.
Bước 3 : Thay đổi quan niệm về những trải nghiệm quá khứ
Đôi khi, chúng ta bị ám ảnh bởi mối hận thù đến mức nhiều tháng, nhiều năm sau, chúng ta vẫn tập trung vào cơn giận của mình đến mức đánh mất quan điểm của bản thân.
Lúc này, hãy cố gắng thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực trong giây lát và nghĩ xem người khác cảm thấy thế nào bằng cách tự hỏi bản thân những câu hỏi như :
Họ có cố ý làm tôi tổn thương không?
Có phải ác cảm của tôi xuất phát từ việc tôi cảm thấy không được tôn trọng?
Có khi nào họ có ý tốt nhưng hành động của họ gây ra hậu quả tiêu cực cho tôi?
Họ có thực sự là người xấu xa đến vậy không?
Bạn có thể lắng nghe cảm xúc và có quyền từ chối để người này quay trở lại cuộc sống của mình, thế nhưng sự việc có thể thay đổi nếu bạn nhìn nhận tình huống theo một góc nhìn mới bằng cách đặt mình vào vị trí của họ.
Liệu có điều gì đó tàn nhẫn, thiếu suy nghĩ hoặc bốc đồng mà bạn cũng từng nói hoặc làm trong quá khứ không? Có điều gì đó khiến bạn tiếc nuối tự hỏi tại sao mình lại hành động như vậy không? Có ai đó trong quá khứ của bạn có ác cảm với bạn không ?
Quay trở lại câu chuyện với khách hàng Jo, tôi chia sẻ với anh về phương pháp tư duy ngược. Thay vì nghĩ rằng :
“Em không quan tâm đến anh gì cả"
thì hãy nghĩ rằng
“Anh biết em quan tâm đến anh, nhưng anh cảm thấy rất buồn khi nghe những điều đó"
Việc ngay lập tức đưa ra kết luận có thể khiến đối phương cảm thấy bị tấn công và đẩy xung đột trở nên tồi tệ hơn. Có thể người mà bạn đang có ác cảm cũng cảm thấy tội lỗi và hối hận. Có lẽ hành động gây tổn thương của họ xuất phát từ vấn đề của chính họ và họ cũng mong muốn rút lại hành động đó. Việc nhìn nhận sự việc một cách khách quan có thể giúp bạn hiểu và nối lại mối quan hệ với họ.
Bước 4: Gác lại quá khứ và hướng đến tương lai
Bạn có thể chọn cách tự chữa lành vết thương cho mình mà không cần đến lời xin lỗi từ phía bên kia.
Một khi bạn đã quyết định buông bỏ mối hận thù, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ tiếp tục bước đi và không nhìn lại. Đừng suy nghĩ hay tiếp tục thảo luận về nó với người khác. Mọi người thường đưa ra lời khuyên dựa trên năng lực và trải nghiệm của bản thân. Khi bạn đang bế tắc mà một ai đó nói với bạn ngay rằng “Thôi bỏ hắn ta đi", “Cô ấy không xứng đáng với anh đâu”, điều đó nói lên năng lực xử lý vấn đề của chính họ. Hãy thận trọng với những lời khuyên như thế và coi những trải nghiệm không mấy tốt đẹp trong quá khứ là bài học quý giá giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân cũng như những người xung quanh.
Bước 5 : Nuôi dưỡng lòng vị tha
Chọn tha thứ không có nghĩa là chọn quên nhưng cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với việc tiếp tục hay dừng lại. Điều duy nhất bạn cần làm là chấp nhận rằng không ai là hoàn hảo và ai cũng có thể mắc sai lầm. Tha thứ không phải là điều dễ dàng, đặc biệt nếu bạn đã trải qua nhiều nỗi đau, nhưng đó là cách duy nhất để có được sự bình yên thực sự.
Một số cách để nuôi dưỡng lòng vị tha:
Thực hành chánh niệm: Chánh niệm có nghĩa chú tâm vào giây phút hiện tại, thay vì sống trong quá khứ hoặc cố gắng dự đoán và kiểm soát tương lai.
Ngừng chỉ trích bản thân: Hạn chế những phản ứng tiêu cực với bản thân là một cách để hướng tới sự chấp nhận bản thân nếu bạn có xu hướng hơi cầu toàn hoặc khắt khe với chính mình.
Chăm sóc bản thân: Dành thời gian chăm sóc bản thân như việc nấu cho mình một bữa ăn, tập thể dục hay chăm sóc sắc đẹp là một cách tuyệt vời để củng cố lòng từ bi với bản thân trong cuộc sống hàng ngày.
Tôi hi vọng những chia sẻ trên đã phần nào giúp bạn có một cái nhìn rõ ràng hơn về việc buông bỏ hận thù. Tôi chúc bạn sẽ tìm được sự bình yên trong tâm trí của mình mỗi ngày.
Đừng quên là tôi đã xuất bản tập Podcast đầu tiên trên nền tảng Youtube và Spotify, hãy ghé thăm và đồng hành cùng tôi bằng cách ấn vào đường link dưới đây nhé.
Nếu các bạn muốn đặt lịch Coaching 1:1 vui lòng : ẤN VÀO ĐÂY
Đặt mua các khóa học Online : ẤN VÀO ĐÂY
Xem các Bản tin cuối tuần trước đây : ẤN VÀO ĐÂY
Tham gia Group Chữa lành và Phát triển bản thân (Zalo) : ẤN VÀO ĐÂY
Comentarios