Một công ty nọ, vì muốn nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên nên ban lãnh đạo đã thuê một chuyên gia tâm lý về để hỗ trợ và tư vấn cho nhân sự của họ về các vấn đề trong cuộc sống, với hy vọng giúp họ giải toả và tìm ra được giải pháp, từ đó cải thiện năng suất làm việc.
Sau một thời gian, ban giám đốc nhận thấy chất lượng công việc đã được cải thiện rõ rệt, liền gọi chuyên gia tâm lý tới và hỏi những vấn đề mà nhân sự kể cho ông là gì và làm sao ông có thể làm được điều kỳ diệu đó.
Chuyên gia tâm lý liền nói : “Tôi chẳng làm gì cả. Thực chất tôi chỉ lắng nghe.”
Có bao giờ bạn bị vợ/ chồng hoặc người yêu phàn nàn là
"Anh không chịu lắng nghe em gì cả"
"Em cảm thấy em không được lắng nghe"
"Sao em cứ nhảy vào mồm anh nói thế"
Những câu này nghe rất quen đúng không?
Chúng ta thường nghe người khác nói chuyện với suy nghĩ là mình còn hiểu điều này hơn cả họ, hoặc đôi khi chưa nghe xong đã vội phán xét trong đầu. Vậy làm thế nào để được coi là một người biết lắng nghe. Và lắng nghe quan trọng trong một mối quan hệ như thế nào?
Lắng nghe tích cực
Lắng nghe tích cực là một kỹ năng quan trọng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nó không chỉ đơn giản là nghe những gì người khác nói mà còn phải hiểu ý nghĩa, mục đích đằng sau đấy. Việc lắng nghe giúp bạn tương tác với người đối thoại theo chiều hướng tích cực. Đối phương sẽ cảm thấy những gì mình nói có giá trị và được ghi nhận. Đây được coi là một kỹ năng nền tảng tạo nên một cuộc trò chuyện thành công trong bất kì hoàn cảnh nào cho dù là ở nhà, ở nơi làm việc hay trong các mối quan hệ.
Vậy làm thế nào để lắng nghe một cách tích cực và chủ động thì dưới đây là một vài tips mà các bạn có thể áp dụng ngay lập tức.
1.Giao tiếp bằng ánh mắt
Giao tiếp bằng mắt là yếu tố quan trọng trong những cuộc trò chuyện. Hãy giao tiếp bằng mắt với đối phương mỗi 5 giây một lần hoặc lâu hơn để thể hiện rằng bạn đang chăm chú lắng nghe. Nếu bạn liên tục nhìn lên nhìn xuống, nhìn sang chỗ khác, đối phương sẽ cảm thấy bạn đang muốn kết thúc trò chuyện hoặc không tập trung. Nhưng nếu bạn liên tục nhìn chằm chằm vào đối phương thì điều này lại khiến cho họ cảm thấy không hoàn toàn thoải mái.
Hãy chú ý tư thế của bạn. Đảm bảo mình ở tư thế cởi mở. Tránh khoanh tay hay bắt chéo chân vì điều này có thể khiến bạn trông hơi khép kín hoặc "phòng thủ". Bạn cũng có thể hơi nghiêng người về phía trước hoặc nghiêng đầu về phía người nói để thể hiện rằng bạn đang lắng nghe và hướng sự chú ý vào họ.
2.Quan sát cử chỉ
Nét mặt, giọng nói, cử chỉ có thể nói lên thái độ của đối phương trong cuộc trò chuyện.
Hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của họ, xem họ đang cười hay đang khoanh tay phòng thủ. Họ dụi mắt cho thấy họ đang mệt mỏi hoặc khó chịu. Họ thường xuyên kiểm tra điện thoại cho thấy họ không ưu tiên bạn. Hoặc nếu họ chỉ ậm ừ mà không tương tác cho thấy họ không hứng thú với chủ đề của bạn. Từ đó điều chỉnh cách nói chuyện hoặc thay đổi chủ đề để tạo không khí thoải mái cho đôi bên.
Một kỹ thuật bạn có thể áp dụng là “mirroring". Kỹ thuật này có nghĩa là khi đối phương có một cử chỉ nào đó, bạn có thể khéo léo “bắt chước" lại. Khoa học đã chứng minh một người sẽ có cảm giác an toàn và thoải mái hơn nếu người đối diện có ngôn ngữ cơ thể giống họ. Tuy nhiên hãy làm điều này một cách tinh tế thay vì copy y hệt, điều này sẽ tạo cảm giác không tự nhiên.
3.Không ngắt lời
Việc ngắt lời dễ khiến người khác cảm thấy khó chịu. Nó tạo ấn tượng rằng bạn nghĩ ý kiến mình quan trọng hơn hoặc bạn không có thời gian để nghe họ nói. Tập trung lắng nghe đối phương nói sẽ giúp bạn hiểu rõ thông điệp của họ hơn.
Ngắt lời người khác đôi khi cũng gây mất tập trung vào chủ đề chính. Cuộc trò chuyện sẽ trở nên chệch hướng khỏi những gì họ đang cố chia sẻ với bạn. Khi đó, hãy quay trở lại cuộc trò chuyện bằng cách nói những câu như:
“Anh đang nói gì ý nhỉ"
“Em đang bảo là …”
“Em vừa nói cái này đúng không…”
Đừng phản ứng lại với những gì đối phương nói bằng cảm xúc cá nhân và cũng đừng tự ái vì đôi khi họ không cố ý chỉ trích hay bạn. Hãy lắng nghe một cách trung lập. Đồng thời cũng đừng cố đoán điều tiếp theo họ sẽ nói là gì để tránh sự phán xét không cần thiết.
4.Đừng áp đặt ý kiến hay cố đưa ra giải pháp
Tập trung lắng nghe đôi khi sẽ có ý nghĩa nhiều hơn là bảo họ nên làm gì. Khi một người gặp vấn đề trong cuộc sống, đó là thời điểm họ chia sẻ với bạn về những cảm xúc, trút bỏ gánh nặng trong lòng và thực sự tìm một người để lắng nghe chứ chưa chắc đã là vì họ muốn tìm kiếm lời khuyên.
Đôi khi mọi người đều đã có giải pháp riêng cho vấn đề của mình khi tìm đến bạn. Họ chỉ đang muốn tìm kiếm sự ủng hộ. Nếu bạn thật sự nghĩ là việc chia sẻ giải pháp có thể có ích cho họ, hãy hỏi xem đối phương xem họ có muốn nghe hay không.
Ví dụ :
“Em có muốn biết suy nghĩ của anh không?”
“Em có thể chia sẻ vài điều được không?”
“Anh có muốn lắng nghe một vài giải pháp không?...”
5.Tương tác bằng cách đặt câu hỏi, diễn giải và tóm tắt lại
Đặt câu hỏi thể hiện rằng bạn đang lắng nghe và mong muốn làm rõ hơn những gì họ đã nói.
Nếu bạn không chắc là bạn đã hiểu đúng, hãy chờ đến khi đối phương ngừng nói và hỏi những câu như :
“Ý anh là…”
“Có nghĩa là …”
Hoặc bạn có thể thêm những câu hỏi mở như :
"Anh thấy thế nào về việc đó"
"Anh muốn làm gì tiếp theo".
Đôi khi hãy lặp lại những gì đối phương nói để cho thấy rằng bạn hiểu nó. Điều này thể hiện rằng bạn đã chú ý và tạo cơ hội để người nói sửa lỗi nếu bạn hiểu sai. Bạn có thể sử dụng mẫu câu như:
"Hình như như anh cho rằng ..."
“Có phải em muốn …”
“Em đang định … đúng không?”
Tôi hy vọng các bạn sẽ áp dụng được những tips này một cách thành công. Chúc các bạn một cuối tuần vui vẻ và đừng quên gửi email cho tôi nếu có bất cứ chia sẻ hoặc đóng góp nào cho tôi nhé.
Nếu các bạn muốn đặt lịch Coaching 1:1 vui lòng : ẤN VÀO ĐÂY
Đặt mua các khóa học Online : ẤN VÀO ĐÂY
Xem các Bản tin cuối tuần trước đây : ẤN VÀO ĐÂY
Tham gia Group Chữa lành và Phát triển bản thân (Zalo) : ẤN VÀO ĐÂY
Comments