Tôi vừa mới có một chuyến đi nghỉ tại Quy Nhơn, và đây cũng là lần đầu tiên tôi tới thăm thành phố biển xinh đẹp này. Quy Nhơn tuy khá giống với Nha Trang hay Đà Nẵng về kiến trúc hay hạ tầng, nhưng điểm khác biệt là thành phố mới phát triển nên tương đối vắng vẻ và chưa có nhiều dịch vụ. Bù lại, chi phí du lịch vô cùng dễ chịu và không quá ồn ào, xô bồ, tôi cực kỳ yêu thích điều đó.
Chuyến đi lần này tôi đi cùng một người bạn thân. Chúng tôi quen biết nhau đã mấy chục năm, vậy mà đây lại là lần đầu tiên tôi đi du lịch với bạn.
Lẽ thường khi chơi với nhau lâu như thế, cứ ngỡ rằng đã quá hiểu nhau. Nhưng không, chuyến đi của chúng tôi đầy xung đột.
Bạn tôi là người khá dễ tính trong việc ăn gì, đi đâu, chơi gì, còn tôi thì ngược lại, vậy nên chúng tôi không gặp khó khăn trong việc chọn chỗ chơi. Điểm khác biệt lớn nhất của chúng tôi lại là cách chơi, khi mà bạn tôi quá yêu thích việc chụp và đăng hình, còn tôi thì quan điểm ngược lại, đi du lịch chụp vài tấm ảnh kỷ niệm là đủ, quan trọng là vui chơi, trải nghiệm và tập trung vào cảm nhận chuyến đi.
Rốt cuộc, cả chuyến đi bạn tôi luôn cần đến tôi để chụp ảnh, sau đó bạn ngồi hỉnh sửa và đăng ảnh nhiều đến nỗi cả khi ăn cũng ôm khư khư cái điện thoại. Còn tôi thì cảm giác như mình đang đi du lịch 1 mình. Mọi câu chuyện của bạn tôi chỉ xoay quanh tấm ảnh này đẹp không, màu sắc thế nào, đăng lúc mấy giờ, và bận rộn với việc trả lời bình luận.
Với tôi đây là một dạng xung đột khi hai người không có chung sở thích, cách suy nghĩ hoặc ít nhất là cách hành xử đối với cùng một vấn đề. Với bạn tôi, có lẽ chuyến đi đã thành công vì có nhiều ảnh đẹp, nhưng với tôi dường như tôi cần nhiều hơn thế.
Vậy khi đối diện với xung đột hay sự khác biệt, chúng ta sẽ phải làm gì?
Nếu chia sẻ thẳng thắn suy nghĩ của mình, đối phương chưa chắc đã có thể thay đổi mà đôi khi thậm chí còn tự ái hoặc bị tổn thương.
Nếu không chia sẻ suy nghĩ của mình, chính bản thân mình phải chấp nhận điều đó, vì chẳng phải chính tôi là người quyết định tham gia chuyến đi này hay sao?
Còn nếu không chấp nhận được sự khác biệt, không lẽ tôi bỏ về?
Thực ra câu trả lời rất đơn giản. Trong một cuộc tranh luận, không bao giờ có ai là hoàn toàn có lí bởi vì dù lời lẽ của họ có thuyết phục đến đâu, việc nghĩ thế nào vẫn là quyền của người còn lại. Dù đối với bất cứ chuyện gì, tính cách và quan niệm của mỗi người đều bị ảnh hưởng bởi giáo dục, hoàn cảnh sống hoặc những gì họ đã từng trải qua. Không ai có thể thay đổi vì bất cứ ai cả. Nếu có, hoặc là họ thay đổi vì chính họ, hoặc là họ chỉ thay đổi một chốc một lát mà thôi.
Quay trở lại câu chuyện của tôi. Cho dù quyết định như thế nào cũng không thể tránh khỏi những tổn thương nhất định dù là cho tôi hay cho bạn. Không có thói quen nào là tốt hay xấu, chỉ có phù hợp hay không, Tôi rất thích một câu nói thế này:
"Quan niệm khác biệt, đừng cố tranh cãi, quá trình để bản thân biết tôn trọng người khác chính là quá trình khiến chúng ta mạnh mẽ hơn. Chỉ người có nội tâm yếu đuối mới cần người khác đồng tình với mình mọi chuyện, còn những người mạnh mẽ với nội tâm chín chắn, chưa bao giờ bắt ép người khác phải đồng tình với mình. Con người càng mạnh mẽ càng dễ bao dung nhiều loại quan niệm, mà sự mạnh mẽ của người đó bắt nguồn từ việc hấp thụ tinh hoa từ rất nhiều quan niệm, cuối cùng lắng đọng thành quan niệm của chính mình"
Đoạn văn trên tôi đọc trong cuốn sách "Bạn đắt giá bao nhiêu" của tác giả Văn Tình, một tác phẩm từng làm mưa làm gió. Cuốn sách chia sẻ quan niệm của tác giả về nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống từ gia đình, sự nghiệp, mối quan hệ cá nhân đến quan hệ bạn bè ... Cuốn sách sẽ mở ra cho bạn những góc nhìn mà có lẽ trước đây bạn từng bị đóng khung bởi định kiến xã hội hay những gì mình nghe thấy. Cuốn sách rất thú vị, và tôi đã đọc nó một mạch trong 2 ngày.
Vậy trong một mối quan hệ, chấp nhận sự khác biệt quan trọng thế nào?
Trong các mối quan hệ tình cảm, sự khác biệt thường là nguồn gốc của xung đột, nhưng chúng cũng có thể là một điều may mắn. Quan điểm của mỗi người giúp loại bỏ các điểm mù cho đối phương và những kỹ năng mà họ giỏi có thể bù đắp cho điểm yếu của người còn lại.
Ví dụ như tôi thường xin lời khuyên của bạn trai trong một số vấn đề chuyên môn phức tạp; anh ấy tin tưởng và hỏi tôi về vấn đề quan điểm, giao tiếp.. Chúng tôi bù trừ những điểm yếu của nhau. Vậy chúng tôi có cãi nhau không? Tất nhiên là có chứ. Nhưng khi hai người chấp nhận sự khác biệt của nhau, chúng ta sẽ hiểu việc thay đổi đối phương là không thể, ngược lại còn chứng tỏ bản thân mình nội tâm yếu kém, muốn kiểm soát và không chấp nhận người kia như chính họ
Chấp nhận sự khác biệt của người khác không có nghĩa là đồng ý. Nó có nghĩa là bạn làm việc của bạn và tôi sẽ làm việc của tôi. Hoặc bạn nghĩ về nó theo cách của bạn, và tôi sẽ tiếp tục nghĩ về nó theo cách của tôi mà không cảm thấy cần phải thay đổi suy nghĩ của bạn. Để một mối quan hệ được tích cực và lành mạnh, chúng tôi chọn cách "đối thoại", nói ra những quan điểm của mình mà không nhất thiết là người kia phải đồng ý. Khi có "năng lực" hoá giải xung đột thành tôn trọng sự khác biệt, bạn sẽ nhận ra mối quan hệ của bạn có sự chuyển hoá thật diệu kỳ. Từ việc tranh cãi về một vấn đề không hồi kết, trở thành thẳng thắn trao đổi với sự tôn trọng. Nếu mọi mối quan hệ đều có thể vận hành như vậy, chắc chắn không ai bị tổn thương.
Workshop số 1 : Nâng cao nhận thức bản thân
Tuần vừa rồi tôi đã tổ chức buổi Workshop đầu tiên cho các thành viên Nhóm Chữa lành & Phát triển bản thân với sự tham gia vô cùng sôi nổi của các bạn vào tối thứ bảy. Buổi Workshop đặt ra 4 giai đoạn trong quá trình nâng cao nhận thức, và các bạn đã chia sẻ rất cởi mở những suy nghĩ, khúc mắc trong mối quan hệ của các bạn cũng như định vị bản thân đang ở đâu trong hành trình nhận thức về bản thân.
Tôi hy vọng sẽ cùng đồng hành với các bạn trong thời gian sắp tới với các dự án tiếp theo của mình nhé.
Chúc các bạn một cuối tuần vui vẻ và đừng quên gửi email cho tôi nếu có bất cứ chia sẻ hoặc đóng góp nào cho tôi nhé.
Nếu bạn muốn mua sách "Bạn đắt giá bao nhiêu" : ẤN VÀO ĐÂY
Đặt mua các khóa học Online : ẤN VÀO ĐÂY
Xem các Bản tin cuối tuần trước đây : ẤN VÀO ĐÂY
Tham gia Group Chữa lành và Phát triển bản thân (Zalo) : ẤN VÀO ĐÂY
Comments