top of page
Ảnh của tác giảPhuong Linh Dang

Chìa khoá để trở nên lạc quan hơn


Một người đàn ông nhảy qua khe suối
Chìa khoá để trở nên lạc quan hơn

Bạn có thường đắm chìm trong những suy nghĩ tiêu cực không lối thoát, rồi nhận ra không biết bản thân trở nên độc hại từ bao giờ không?


Coaching đối với tôi mà nói là một trải nghiệm thú vị. Nó giúp tôi mở mang tầm mắt và khiến bản thân trở nên linh hoạt hơn, thấu hiểu hơn rất nhiều, bởi đa số khách hàng tìm đến tôi đều có chung một nhu cầu không được đáp ứng, đó là nhu cầu được lắng nghe.


Có một câu hỏi tôi thường nhận được nhiều trong quá trình coaching từ khách hàng là : Làm thế nào để trở nên lạc quan? - điều mà họ chưa, hoặc không làm được.


Khi có một chuyện gì đó xảy ra, điều đầu tiên chúng ta nghĩ tới là dự đoán đó là một điều tiêu cực. Bộ não chúng ta có thói quen tự động bật chế độ phòng thủ để bảo vệ bản thân tránh khỏi tổn thương, đó là một cơ chế hoàn toàn bình thường. Thế nhưng, việc suy nghĩ thiếu lạc quan và chỉ tập trung vào tình huống xấu dần dần sẽ khiến bạn không nhìn thấy giá trị của những thứ mà bạn đang có xung quanh.


Lạc quan là thái độ sống tập trung vào các khía cạnh tích cực trong mọi tình huống diễn ra hàng ngày. Người lạc quan là người luôn duy trì thái độ tích cực ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Họ ý thức được những trở ngại chỉ là tạm thời và giữ niềm tin rằng mọi vấn đề có thể được cải thiện. Sự lạc quan tương đồng với tư duy phát triển. Nếu bạn cho rằng mọi chuyện vốn dĩ đã như vậy, không thể thay đổi, đó là khi bạn đang tự giới hạn bản thân với tư duy cố định và điều này sẽ khiến bạn bỏ lỡ mất nhiều điều tốt đẹp trong tương lai.


Trên thực tế, sự lạc quan có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của bạn, chẳng hạn như:

  • Giảm căng thẳng

  • Tăng cường sức khỏe thể chất.

  • Giảm nguy cơ trầm cảm hoặc lo lắng

  • Tăng hiệu suất làm việc

  • Tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn

  • Vui hơn và hạnh phúc hơn

Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, lạc quan không phải bản chất sẵn có của con người. Đó là một dạng tính cách và năng lực mà mỗi cá nhân lựa chọn để phát triển. Vì vậy, nếu bạn muốn trở nên lạc quan hơn trong suy nghĩ, hãy tham khảo những phương pháp dưới đây và cân nhắc kết hợp với thói quen, lối sống của mình nhé.


1. Thay đổi góc nhìn về những vấn đề tiêu cực


Có một lần khi tôi làm việc với một khách hàng, cô ấy chia sẻ rằng bạn trai làm việc về đêm trong ngành nightlife và thường xuyên về rất muộn cho nên họ ít có thời gian chất lượng dành cho nhau. Cô vô cùng lo lắng, bất an và khó xây dựng được niềm tin nơi người yêu mình. Cô cảm thấy bạn trai có thể “đánh mất mình" bất cứ lúc nào, do đó mối quan hệ của họ dường như khá chông chênh vì thiếu kết nối.

Tôi liền hỏi cô ấy : “Lợi ích của việc này là gì?” Cô ấy trả lời : “Em không thể nhìn thấy được bất cứ lợi ích nào trong việc này."

Vấn đề không phải là ở chỗ bản thân các sự việc vốn đã tồi tệ mà là cách chúng ta phản ứng với chúng.

Khó có thể nói rằng việc bạn trai thường xuyên tiếp xúc với phụ nữ đẹp trong một môi trường đầy cám dỗ là có một lợi ích nào đó. Tuy nhiên, xét một cách tích cực thì đây lại là tín hiệu cho biết bạn có thực sự phù hợp với một người có cuộc sống như vậy không. Sự khác nhau về lối sống có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ của các cặp đôi. Ngoài ra, nếu bạn nhìn chuyện này như một động lực, bạn sẽ có xu hướng tập luyện, thay đổi bản thân để trở nên quyến rũ hơn, tự tin hơn. Suy cho cùng, việc một người đàn ông rời bỏ bạn không nằm ở việc bạn có quyến rũ hay không. Nếu vốn đã không có tình yêu thì cho dù bạn có là người mẫu hay diễn viên cũng có thể nguy cơ bị phản bội như những người bình thường. Nhưng một khi bạn tự tin với bản thân mình thì một mối quan hệ không thành công cũng không ảnh hưởng đến giá trị của bạn, ngược lại bạn còn có cơ hội tìm cho mình một người khác phù hợp hơn. Đó là ví dụ của suy nghĩ tích cực.


Khi tình huống tiêu cực xảy ra, hãy cố gắng điều chỉnh suy nghĩ bằng cách tập trung vào những mặt tích cực hoặc những bài học mà bạn có thể rút ra từ tình huống đó. Việc thay đổi góc nhìn không chỉ thay đổi quan điểm của bạn trong thời gian ngắn mà còn có tác dụng rèn luyện não bộ, khiến bạn suy nghĩ tích cực hơn. Nhà nghiên cứu Davidson tiết lộ, chúng ta càng điều chỉnh các tình huống theo hướng tích cực một cách có ý thức, chúng ta càng rèn luyện não bộ của mình để kích hoạt các mạch máu ở những vùng khác nhau, cuối cùng thay đổi phản ứng của chúng ta trước những trải nghiệm tiêu cực.


2. Đưa bản thân vào môi trường tích cực


Mỗi người trong chúng ta đều sẽ có những người bạn thường xuyên phàn nàn hoặc kêu ca. Việc dành thời gian với họ - những người liên tục nhìn thấy điều tồi tệ trong cuộc sống sẽ khiến bạn càng trở nên tiêu cực hơn.


Một giáo sư xã hội học y học của Mỹ, cho biết: “Cảm xúc giống như một căn bệnh có tính lây lan”. Nghiên cứu của ông cho thấy hạnh phúc có thể là một hiệu ứng đám đông: Việc bạn có một người thân, người bạn, người yêu luôn hạnh phúc sẽ khiến bạn trở nên hạnh phúc theo. Điều đó có nghĩa là, đã đến lúc kết bạn với những người hạnh phúc, vui tươi thay vì suốt ngày ở bên cạnh những người đau khổ, rầu rĩ.


Ở bên cạnh những người tích cực và luôn trân trọng những điều tốt đẹp trong cuộc sống sẽ khiến bạn cảm thấy biết ơn cuộc sống này. Điều đó cũng áp dụng với những lĩnh vực khác như âm nhạc, văn học hay phim ảnh. Và hãy nhớ rằng, càng dành nhiều thời gian cho những điều tiêu cực thì bạn sẽ chỉ càng cảm thấy tiêu cực hơn mà thôi.


3. Ghi nhận bản thân


Chúng ta luôn vui mừng và chúc phúc cho thành tựu của người khác nhưng khi nói về bản thân mình lại thường có xu hướng xem nhẹ hoặc phớt lờ. Một số vùng miền thậm chí còn giáo dục con em mình phải trở nên khiêm tốn trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều đó khiến họ kém tự tin, và không đánh giá cao những gì mà họ đạt được. Để bắt đầu suy nghĩ tích cực, bạn cần thường xuyên nhắc nhở bản thân về những giá trị mà bạn đang có, đã có và có thể đạt được. Hãy dừng xem nhẹ bản thân mình, suy ngẫm về những thành tựu của bạn trong quá khứ và đề cao chúng với công sức mà bạn đã bỏ ra.


Năm 19 tuổi, khi bạn bè vẫn còn đang cố lấy tấm bằng tốt nghiệp thì tôi đã có một công việc bán thời gian trước khi ra trường. 2 năm sau khi đang có một công việc full-time ổn định trong một môi trường nhà nước - điều mà bạn bè đều ao ước, thì, tôi đột ngột chuyển hướng sang ngành dịch vụ. 6 năm sau, khi bạn bè đều đã có sự nghiệp, có gia đình, một lần nữa tôi tiếp tục chuyển việc và bắt đầu lại từ đầu. Mỗi lần thay đổi công việc của tôi đều là một hành trình đầy mới mẻ và thú vị. Tôi có sợ hãi không? Có! Nhưng tôi có thích thú không? Cũng có luôn. Cũng vì thế mà cuộc sống của tôi tràn ngập màu sắc.


Mỗi người chúng ta đều có một lộ trình của riêng mình. So sánh bản thân với người khác vì những gì họ đạt được trong khi mình thì chưa đôi khi không phải động lực mà lại vô tình tạo ra áp lực. Chỉ cần bạn đã cố gắng hết sức, thì dù nhanh hay chậm hơn người khác, bạn cũng đã tiến xa hơn so với phiên bản của mình trước đó rồi. Hãy tự chúc mừng bản thân về những thành tựu mà mình có. Điều đó sẽ khiến tinh thần của bạn sẽ trở nên phấn chấn hơn và không ngừng cổ vũ bản thân tiếp tục phát triển.


4. Thừa nhận những điều tiêu cực


Nỗ lực để trở nên lạc quan hơn không có nghĩa là nhìn đời qua lăng kính màu hồng. Sự lạc quan có thể trở thành bất lợi nếu nó khiến bạn rơi vào ảo tưởng. Bạn cần dung hòa sự lạc quan với những suy nghĩ thực tế, nó sẽ giúp bạn có định hướng rõ ràng hơn. Đôi khi sẽ có những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Hãy chấp nhận rằng bạn không thể thay đổi được mọi vấn đề trong cuộc sống. Thay vào đó bạn hãy học cách khắc phục vấn đề và tập trung vào những khía cạnh khác.


Vi là một trong những khách hàng đầu tiên của tôi. Cô bé 19 tuổi, đang là sinh viên đại học, gia đình có điều kiện, tương lai rộng mở, tuy nhiên cô lại mang thai ngoài ý muốn. Sau sự cố đó xảy ra, Vi thay đổi hoàn toàn góc nhìn về cuộc sống. Những phiên tư vấn của chúng tôi diễn ra hầu hết đều để dành thời gian giúp Vi định hình tư duy và lối sống của mình. Cô dần dần nhận ra một trong những lý do khiến mình phạm sai lầm là vì định vị bản thân quá cao bởi điều kiện của gia đình, khiến cô không coi trọng những người xung quanh, dẫn đến một số suy nghĩ sai lệch.


Suy nghĩ thực tế bên cạnh thái độ lạc quan là một cách giúp bạn tạo ra một tương lai tích cực hơn thay vì mắc kẹt trong những ảo tưởng vô nghĩa. Vi, cũng như bao bạn trẻ khác, đều cần thời gian để trưởng thành. Chúng ta ai cũng vậy. Tích cực không phải là một dấu hiệu của sự trưởng thành, nhưng nó là một công cụ, giúp bạn khám phá thế giới này với sự mạnh mẽ và quyết tâm. Dù cho bạn có là ai hay ở bất cứ đâu, nếu bạn biết mình muốn gì, với một tư duy tích cực, chắc chắn bạn sẽ làm được.


Đừng quên là tôi đã xuất bản tập 5 Podcast Chữa lành trên Youtube và Spotify, hãy ghé thăm và đồng hành cùng tôi bằng cách ấn vào đường link dưới đây nhé.




Nếu các bạn muốn đặt lịch Coaching 1:1 vui lòng : ẤN VÀO ĐÂY


Đặt mua các khóa học Online : ẤN VÀO ĐÂY


Xem các Bản tin cuối tuần trước đây : ẤN VÀO ĐÂY


Tham gia Group Chữa lành và Phát triển bản thân (Zalo) : ẤN VÀO ĐÂY


72 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page